Cẩm nang Du lịch Pù Luông - Thanh Hóa
Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc và cách trung tâm TP. Thanh Hóa khoảng 130km, thuộc địa phận 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Theo tiếng gọi của người Thái - Pù Luông có nghĩa là ngọn núi cao nhất trong vùng.
Pù Luông là một khu vực thiên nhiên tuyệt đẹp nằm ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội khoảng 170km về phía Tây - Nam. Thiên nhiên ưu đãi cho Pù Luông bằng những cảnh quan đa dạng, rừng núi, thác nước và văn hóa đa dạng của người dân địa phương.
1. Vị trí địa lý
Pù Luông cách thủ đô Hà Nội 170km về phía Tây - Nam, thời gian di chuyển từ 4 -5 tiếng.
Khu vực Pù Luông chia thành 2 huyện trong tỉnh thanh Hóa: Huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa. Pù Luông nằm trong dãy núi Trường Sơn, khu vực này nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên đa dạng: Núi non hùng vĩ, thung lũng, những thuở ruộng bậc thang và các con suối, thác nước tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài ra khu vực này còn bảo tồn rất tốt với nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm.
2. Thời gian thích hợp để ghé thăm Pù Luông
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm bắt đầu vụ lúa mới, khắp những cánh đồng và thửa ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, khung cảnh vô cùng đẹp mắt và thanh bình. Thời gian này ở Thanh Hóa đang là mùa hè nhưng Pù Luông lại thuộc vùng đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít người sinh sống nên thời tiết và khí hậu nơi đây giữa những ngày hè vẫn rất mát mẻ và dễ chịu.
Thời điểm du lịch lý tưởng nhất để đến Pù Luông là khi sang thu, từ tháng 9 trở đi Pù Luông lúc này như thay áo mới, sắc vàng rơm thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang làm xiêu lòng du khách ghé thăm nơi đây.
3. Cách di chuyển đến Pù Luông
Hiện nay có các phương tiện xe Limosine hiện đại và tiện nghi đón khách tại khu vực nội thành Hà Nội và đón trả khách tận nơi tại khu vực Pù Luông nên việc di chuyển khá thuận lợi.
Các tuyến xe khách giường nằm đến Pù Luông khá ít nên nếu bạn muốn đi xe khách giường nằm thì có thể di chuyển lên thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, cách Pù Luông 20km và ngược lại. Nếu bạn có phương tiện cá nhân thì việc di chuyển đến Pù Luông vô cùng thuận tiện và nhanh chóng. Khung cảnh trên đường đi khá đẹp, nên những ai đam mê khám phá và trải nghiệm cung đường đều lựa chọn đi xe máy.
4. Chơi gì ở Pù Luông?
4.1. Bản Kho Mường (Hang Dơi - Bản Kho Mường)
Trên hành trình lên đỉnh Pù Luông hùng vĩ, có một thung lũng rất đỗi nguyên sơ và mộc mạc mang tên Kho Mường. Đây là một trong những bản vùng cao, khó khăn nhất của xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nhưng lại có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.
Đường vào Kho Mường là những cung ngoằn nghèo khúc khuỷu vì đang xây dựng dở dang. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, những cánh rừng ngút ngàn. Đây là nơi sinh sống của 60 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Thái trắng, với 230 nhân khẩu. Người dân trong bản sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô, sắn… Cuộc sống trong bản đa phần là tự cung tự cấp. Nhờ vào nguồn tài nguyên được thiên nhiên ưu ái ban tặng, người dân đã biết xây dựng những ngôi nhà sàn khang trang để đón khách du lịch đến tham quan.
Đến với Kho Mường, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của người Thái, hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như: cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu ngô, kiệu muối chua và thịt vịt luộc…
Một điểm nhấn quan trọng của Bản Kho Mường chính là Hang Kho Mường - hay còn gọi là Hang Dơi - - hang động bí hiểm bị bỏ quên giữa vùng đấy còn yên ngủ. Lối vào hang là con đường đất cheo leo được cây rừng phủ kín. Từ ngoài vào, Hang Dơi chỉ tầm hơn 100m nhưng lòng hang rộng tới hơn 2.5 km, với rất nhiều ngóc ngách ăn sâu vào lòng đất. Làm nên Hang Kho Mường là những khối đá vôi sừng sững, có lẽ tuổi đời phải hàng triệu năm.
Hang Kho Mường sở dĩ còn được gọi là Hang Dơi vì đây là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, ít nhất có 4 loài dơi được tìm thấy trong hang này ở các thời điểm khác nhau của năm. Càng đi sâu vào trong hang, du khách sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những khối đá, nhũ đá với những hình thù kì lạ như hình người, hình cây, mãnh thú… đủ các màu sắc khác nhau, mờ mờ ảo ảo, tất cả hiện lên vô cùng sống động và đặc sắc.
4.2. Bản Hiêu - Thác Hiêu
Bản Hiêu và Thác Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Đến Pù Luông mùa lúa chín, bạn sẽ ngỡ ngàng với con đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến Bản Hiêu bởi hai bên đường là những cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Qua khỏi cầu treo bằng gỗ là vào bản.
Bản có hơn một trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Những nóc nhà sàn đan xen với các ghềnh thác tạo nên một khung cảnh suối thác - nhà sàn đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Cả khúc suối tính từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng mang một nét đẹp riêng không thác nào giống thác nào. Vì vậy, người dân trong bản gọi chung tất cả những thác nước ấy là "Thác Hiêu" và gọi con suối ấy một cách thân thương là “Dòng Hiêu” chứ không gọi là "Suối Hiêu" như cách thông thường.
Thác Hiêu và dòng suối Hiêu bắt nguồn từ hang đá thuộc dãy núi đá vôi của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh. Chiều dài dòng thác khoảng 800 m. Nếu nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng. Theo người dân trong vùng, dòng suối thác Hiêu chảy không bao giờ cạn, luôn có màu trong xanh quanh năm, mát lạnh về mùa hè và ấm áp về mùa đông.
Phía cuối Thác Hiêu là một hồ nước nhỏ, mực nước ở đây chỉ hơn 1m, dưới đáy là cát tạo thành một hồ bơi tự nhiên cho du khách thỏa sức vẫy vùng sau khi khám phá lên đỉnh Thác Hiêu.
4.3. Bản Son - Bá - Mười
Son - Bá - Mười là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao. Nơi này cách trung tâm thành phố khoảng 130 km về phía Tây Bắc và được ví như một Sapa thu nhỏ vì khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, nhiệt độ từ 18-22 độ. Tuy nhiên vì là vùng núi cao nên vào mùa đông, nơi đây khá lạnh đôi khi có tuyết rơi, nhiệt độ có khi xuống đến -1, -2 độ; mùa hè nhiệt độ mát mẻ nhưng về đêm thì nhiệt độ xuống rất thấp.
Son - Bá - Mười còn được gọi với cái tên khác là khu Cao Sơn, thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông của Hòa Bình. Đúng với cái tên Cao Sơn, các bản làng này nằm tận trên đỉnh của dãy Pha Hé, Pha Chiến, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, chạy song song với mạch núi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ.
Nằm ở độ cao như vậy, cộng thêm đường lên bản rất khó khăn nên Son - Bá - Mười gần như tách biệt hoàn toàn với các bản làng phía dưới chân núi. Điều này tạo sự hoang sơ rất tự nhiên cho Son - Bá - Mười cũng như rất hấp dẫn rất những ai yêu thích du lịch mạo hiểm. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được nhiều tập tục của người Thái cổ, nhà sàn còn giữ nguyên dấu ấn truyền thống, thể hiện rõ nét đặc thù chưa bị ảnh hưởng bởi những kiến trúc hiện đại từ bên ngoài pha tạp vào.
4.4. Bản Đôn (Xã Thành Lâm)
Bản Đôn là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái gồm 76 hộ và 285 nhân khẩu với tổng diện tích tự nhiên trên 125 ha của xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). Khoảng 2 năm trở lại đây, khách du lịch đến với Bản Đôn ngày một nhiều, trong đó khách quốc tế chiếm tới 60%.
Bản Đôn sở hữu cảnh đẹp hoang sơ, với những thửa ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi thanh bình yên tĩnh. Ấn tượng hơn nữa, khi đến Bản Đôn, du khách sẽ được học cách dệt vải, thưởng thức nhiều hương vị, đặc sản vùng cao như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, canh cá... và hơn cả là sự chân thành, nồng nhiệt của người dân địa phương.
Từ Bản Đôn, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe máy để di chuyển đến các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Bá Thước như Bản Hiêu (có Thác Hiêu), bản Kho Mường (khám phá Hang Dơi)…
4.5. Check-in đỉnh núi Pù Luông
Được ví như “thiên đường giữa đại ngàn”, Pù Luông sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ quanh năm mây mù giăng kín. Nếu ai thức dậy vào sáng sớm, nhìn qua khung cửa sổ sẽ thấy từng khóm mây trôi trên đỉnh Pù Luông, có khi mây bay là là lướt nhẹ qua mặt. Mây và núi hoà quyện vào nhau, hư hư thực thực, mọi thứ dường như không chuyển động, chỉ có duy nhất sự tĩnh lặng tuyệt đối của núi rừng.
Nếu bạn là người ưa thích mạo hiểm, có lẽ việc chinh phục đỉnh núi cao 1.700m so với mực nước biển là trải nghiệm thú vị nhất ở Pù Luông. Bạn sẽ mất khoảng 6-8 tiếng trong điều kiện thời tiết tốt để có thể lên đến đỉnh. Nhưng khi lên tới nơi bạn sẽ hoàn toàn bị choáng ngợp bởi phong cảnh của núi rừng, những cánh đồng bạt ngàn, đâu đó lấp ló những mái nhà sàn nằm lác đác trong thung lũng dưới chân núi.
Trên đỉnh Pù Luông, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác chiến thắng khi chinh phục đỉnh vinh quang. Ngoài ra, các bạn có thể dựng trại trên đỉnh để ăn uống nghỉ ngơi qua đêm và xuống núi vào hôm sau..